Nghe “bà mẹ trăm con” tâm sự về nghề Quản nhiệm

“Em còn quá trẻ để quản lý con anh. Nếu tính tuổi thì em chỉ bằng cháu của anh thôi” – Những ngày đầu làm giáo viên quản nhiệm, cô Nguyễn Thị Thư đã bị phụ huynh hoài nghi như vậy đấy. Nhưng thời gian, sự kiên nhẫn và cái Tâm làm nghề chính là câu trả lời thuyết phục nhất của cô Thư.

Tiếp nhận công việc tại FSchool khi vừa mới tốt nghiệp trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, sau một thời gian dài theo đuổi thi đấu Pencak Silat thành tích cao, công việc quản nhiệm là một thách thức nhưng cũng nhiều thú vị đối với cô Thư. Sau 5 năm gắn bó với nghề, chăm sóc hơn trăm học sinh nữ, cô Thư đã tạo được “thương hiệu” riêng, giành được nhiều tình cảm của các em học sinh FSchool. Minh chứng cho việc đó, cô đã nhận giải thưởng Bà mẹ của năm do các bạn học sinh bình chọn dịp 20/11 vừa qua.

Chào cô Thư, chúc mừng cô đã đạt giải thưởng Bà mẹ của năm 2018 do các bạn học sinh bình chọn, cảm xúc của cô thế nào khi nhận giải thưởng này?

Mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Năm ngoái mình đã được nhận giải thưởng này một lần rồi và mình không nghĩ là năm nay sẽ được nhận giải Bà mẹ của năm một lần nữa.

Năm 2017, cô Thư cũng nhận giải thưởng Bà mẹ FSchool trong dịp 20/11.

Quản lý hơn 20 em học sinh đang ở tuổi trưởng thành, tính cách có phần phức tạp của một đứa trẻ đang lớn, cô đã làm như thế nào để dung hòa được bản thân mình vào với tính cách, đời sống của các bạn?

Với mỗi khoá, mình mất khoảng 2 tháng để tìm hiểu tính cách của các bạn. Có những bạn cần nhẹ nhàng, có những bạn cần phải nghiêm khắc, hay có những bạn lại cần tình cảm và mình phải cố gắng nắm bắt tâm lý, mong muốn của các bạn. Mình chỉ cho các bạn những nội quy, những gì mà các bạn bắt buộc phải tuân theo. Mình cũng dành thời gian của mình để nói chuyện, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các bạn. Khi hiểu được, mình sẽ dung hòa tính cách của mình vào với các em.

Cô Thư đón học sinh trong ngày nhập trường.

Các bạn hay tâm sự với cô về những vấn đề gì?

Chuyện trên trời dưới biển, chuyện tình cảm, có những bạn lại là chuyện gia đình, chuyện bạn bè, học hành. Có khi các bạn tâm sự với mình những chuyện buồn, lúc như thế mình chỉ nghe qua và không bới sâu vào đó, mình sẽ chia sẻ những câu chuyện của chính bản thân mình, kéo các bạn ra khỏi chính câu chuyện buồn để các bạn có thể vô tư, lạc quan và nhìn nhận cuộc sống dưới nhiều khía cạnh, màu sắc hơn.

Chăm sóc đời sống nội trú của học sinh, giáo viên quản nhiệm khó lòng mà biết trước những tình huống sẽ xảy ra, cô có lo lắng vì điều đó không?

Lúc mới vào nghề mình rất lo, chỉ cần biết các bạn ngoan hết ngày hôm nay, hết tuần này là được. Nhưng đến bây giờ mình đã đúc kết được kinh nghiệm đó là phải theo sát các bạn từng chút một. Công việc của mình là phải gặp các bạn suốt, sáng gặp, trưa gặp, tối gặp nên chỉ cần các bạn có chút bất thường nào thì mình sẽ theo sát ngay và kịp thời xử lý.

Trẻ trung, xinh đẹp, nhưng cô Thư lúc nào cũng tất bật bởi… nhà đông con.

Với đặc thù công việc, có những lúc cô phải rất nghiêm khắc với các em. Đã lúc nào cô sợ sẽ bị học sinh ghét bỏ, không quan tâm đến mình hay không?

Suốt ngày nhắc nhở, thậm chí là phạt học sinh thì chắc chắn sẽ có bạn không thích mình rồi, nhưng mình không sợ điều đó. Ngay từ khi bước chân vào trường, lứa học sinh đầu tiên quản lý mình đã sử dụng cách làm việc: Tâm lý, tôn trọng các bạn nhưng nghiêm khi các bạn mặc lỗi. Từ đó đến giờ đã trở thành thương hiệu của mình, khóa trên truyền xuống khóa sau. Đến những khóa sau mình quản lý cũng thấy dễ dàng, các bạn cũng thấu hiểu hơn.

Có nhiều bạn ngày xưa ở trường thuộc top khó bảo và mình rất nghiêm khắc với những bạn ấy nhưng sau khi ra trường các bạn ấy lại quay lại gặp mình. Mình có nói đùa với các bạn là ngày xưa bị mắng nhiều như thế không chán à mà bây giờ vẫn quay lại. Các bạn cũng bảo là cô mắng nhưng mà cô muốn tốt cho bọn em. Có nhiều bạn vẫn hay liên lạc và nhớ đến mình mặc dù đã ra trường rồi.

Cuối năm 2017, cô Thư ăn hỏi và tổ chức đám cưới, chính học trò của cô lặn lội từ Hà Nội về Hà Giang bê tráp, đưa “chị đại” về nhà chồng.

Nghề quản nhiệm thường có những tình huống bất ngờ chứ không phải công việc lặp đi lặp lại, thuần về quản lý, giám sát. Thường thì cô phải giải quyết những chuyện phát sinh đó như thế nào?

Ví dụ như việc học sinh ốm, trong mô tả công việc chỉ ghi là quản lý học sinh, không nói xem học sinh ốm thì phải giải quyết như thế nào. Có những lần bọn mình phải thức cả đêm để theo dõi. Có những đêm hôm thầy cô phải rồng rắn nhau đưa học sinh đi viện, thức xuyên đêm trông học sinh truyền nước, đó là chuyện bình thường mà bọn mình phải xử lý. Hay khi các bạn ấy mất đoàn kết thì mình cần phải có kĩ năng để dàn xếp và xử lý. Nghề quản nhiệm toàn là những việc không tên, không lặp đi lặp lại, không có bài giảng cố định mà mình phải tự va vấp vào đó và tự rút kinh nghiệm riêng cho mình. Nhà trường cũng có thêm những buổi tập huấn kỹ năng, các anh chị em quản nhiệm cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để các thầy cô chủ động hơn trong mỗi tình huống.

Cô đã gặp những khó khăn gì từ các bậc phụ huynh, khi họ can thiệp quá sâu vào việc quản lý học sinh và nhiều khía cạnh khác?

Mình bắt đầu làm quản nhiệm khi còn rất trẻ, đã có phụ huynh nói với mình  rằng: “Em còn quá trẻ để quản lý con anh. Nếu tính tuổi thì em chỉ bằng cháu của anh thôi”. Mình không nói gì, chỉ chấp nhận và cố gắng. Sau học kỳ đó phòng mình đạt được thành tích là phòng xuất sắc, phụ huynh cũng có suy nghĩ khác về mình và ủng hộ mình. Bây giờ phụ huynh đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ mình rất nhiều trong việc quản lý các em.

Có trường hợp, lần nào con vi phạm mẹ cũng xin giảm hình phạt cho con nhưng sau nhiều lần con không hề thay đổi. Lúc đó mình phải nói rõ ràng với phụ huynh hiểu, việc can thiệp của phụ huynh như thế sẽ làm bạn ỷ lại, không chịu sửa mình, nếu phụ huynh cảm thấy không phù hợp với cách xử lý của mình thì có thể xin chuyển cho con sang phòng khác.

Nhiều bạn học sinh học nội trú với mong muốn thoát sự giám sát nghiêm ngặt của bố mẹ, nhưng dường như khi vào học còn bị thầy cô giám sát nghiêm hơn?

Khi mới bắt đầu với môi trường nội trú thì tâm lý bạn nào cũng bức bối “Con không hiểu sao ở nhà bố mẹ không quản con nhiều như vậy, nhà quét không sạch cô cũng nói, áo để trên giường cô cũng nói, cái gì cô cũng nói.” Nhưng mình đã nói cho các em biết tất cả đều là nội quy và ở mỗi môi trường đều có một luật riêng, các em đã sống trong môi trường tập thể thì phải tuân theo luật chung. Sau đó các bạn hiểu sẽ không còn cảm thấy ức chế và khó chịu nữa. Ngoài ra mình cũng tôn phải tôn trọng những sở thích, cá tính của mỗi bạn và có cách nhắc nhở cho phù hợp.

Cô thường có những hình phạt nào khi học sinh vi phạm?

Cách xử lý học sinh của mình là để các bạn tự nói ra cái sai và tự nhận thấy cái sai của mình. Lúc đó mình mới xử lý và yêu cầu các bạn đọc lại nội quy của nhà trường và tự xem xem lỗi đó thì nên xử lý như thế nào. Tất cả những trường hợp mình xử lý gần như các bạn đều phục và không “bật” lại.

Nếu bạn nào bỏ giày dép không đúng quy định mình sẽ yêu cầu các bạn để lại lên giá gọn gàng, rồi cầm dép mang ra ngoài cửa, đi vào chân, bỏ ra rồi xếp lên giá, cứ như thế khoảng 30 lần, để các bạn nhớ rằng bước chân vào phòng thì phải bỏ dép ra và xếp dép gọn gàng. Hoặc là tóc các bạn rơi ra sàn nhà mà không biết là tóc của ai, đi qua đi lại không ai tự giác nhặt thì tất cả các bạn trong phòng sẽ xếp hàng mỗi người phải nhặt từng cọng tóc một để vào sọt rác đến khi sạch thì thôi.

Theo cô, đức tính nào cần thiết nhất để làm công việc này?

Theo mình, việc công bằng rất cần thiết cho nghề Quản nhiệm. Khi mình làm việc với tất cả số đông như thế, nếu không có tính công bằng thì sẽ không bao giờ nói được các bạn. Chỉ cần mình có sự thiên vị, các bạn nhìn vào sẽ thấy tị nạnh và không phục. Ngoài ra mình cần phải có sự nhiệt tình và cái tâm trong nghề.

Không phải ai cũng có thể phù hợp làm quản nhiệm, ngoài đức tính ra, thầy cô quản nhiệm tốt cần hội tụ tính cách, phong thái, giọng nói… Mình đứng trước học sinh phải có tự tin, có cái uy riêng, phải làm cho học sinh nể, nhưng cũng phải tình cảm, gắn bó với học sinh.

Quản lý các bạn nữ có gì khác so với các bạn nam?

Khác nhiều chứ. Nếu 30 phút là đủ với học sinh nam để vệ sinh cá nhân nhưng với nhiều bạn nữ thì không: các bạn còn bôi kem dưỡng da, trang điểm, thay quần áo đến mấy lần, cuốn lô tóc; đồ đạc của các bạn gái cùng nhiều hơn nên về mặt giờ giấc, tác phong mình phải nhắc nhở, theo sát các bạn. Hoặc nếu con trai có mâu thuẫn với bạn bè thì khá dễ để thu xếp, nhưng đối với con gái mình phải thực sự thuyết phục được bạn ấy. Học sinh FSchool thông minh, cá tính mạnh… các bạn ấy sẽ dùng đủ lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình đến cùng.

Sau 5 năm làm việc, cô thấy điểm nào mà người ta chưa nhìn nhận đúng về nghề quản nhiệm không?

Đó là nghĩ quản nhiệm nhàn. Khi mọi người nhìn theo mô tả công việc thì nghĩ đó rất đơn giản. Đến giờ này quản lý học sinh, sau khi học sinh đi hết rồi thì trực ban ngồi ở kí túc xá. Nhưng trong khi trực ban mà phát sinh học sinh bỏ ra khỏi khuôn viên của trường thì thầy cô phải ùa nhau đi tìm và còn rất nhiều công việc phát sinh khác mà chỉ khi làm rồi mình mới thấy được sự vất vả và cơ cực như thế nào.

Nếu bây giờ bắt buộc cô phải nói về một điều cô không thích nhất ở nghề quản nhiệm, cô sẽ nói gì?

Đó là thời gian. Thời gian mà các bạn ăn, ngủ, nghỉ thì là thời gian làm việc; thời gian các bạn đi học là giờ hành chính thì là giờ nghỉ ngơi. Bây giờ mình chưa có con đó là chuyện bình thường. Nhưng sau này có con, khung thời gian đó ảnh hưởng rất nhiều.

Có bao giờ cô cảm thấy chạnh lòng không vì mình cũng là giáo viên mà ít khi được rực rỡ và lộng lẫy như những giáo viên đứng lớp khác?

Ngày Khóa 1 ra trường, khi chia tay có một bữa tiệc chia tay dành cho thầy cô và học sinh nhưng mình phải nhắc nhở, điểm danh học sinh ở KTX nên chỉ có thể đến muộn, về sớm, khó có thể tham gia nên cũng hơi chạnh lòng một chút. Thế nhưng sau đó về phòng, chính các bạn học sinh lại tổ chức bữa tiệc nhỏ riêng cho các thầy cô quản nhiệm, như thế là đủ rồi. Đến bây giờ mình thấy điều đó rất bình thường vì đó là đặc thù công việc của mình rồi.

Không thướt tha áo dài, xúng xính trong các ngày lễ như những cô giáo khác, nhưng cô Thư không chạnh lòng vì cô luôn nhận được sự yêu quý, quan tâm của học sinh như trong cùng một gia đình. Trong ảnh, các bạn học sinh tổ chức 20/11, sinh nhật cho cô Thư.

Được biết nhà bố mẹ và nhà chồng cô đều ở Hà Giang, vậy khi làm công việc đặc thù như quản nhiệm cô có vấp phải sự phản đối từ gia đình hay không?

Trước lúc lấy chồng mình đã làm ở đây rồi, gia đình chồng cũng biết là đặc thù công việc là khó khăn và tốn nhiều thời gian. Nhưng cả nhà cực kỳ tâm lý và rất ủng hộ, mình không gặp áp lực gì từ phía gia đình. Hiện tại chồng mình cũng chuyển hướng công việc về Hà Nội nên mình cũng tiện thu xếp thời gian cho công việc và cho gia đình hơn.

Công việc này đã làm thay đổi con người cô như thế nào?

Ngày xưa tính mình vô tư, khi có gì không vừa ý mình hay phản ứng lại, theo đuổi võ thuật nhiều năm nên tính tình thẳng thắn, mạnh mẽ. Thế nhưng khi làm quản nhiệm mình trở nên kiềm chế hơn, nhiều tình huống rất ức chế, bực lắm nhưng mình phải làm chủ cảm xúc của mình, nói chuyện điền đạm. Mình cũng biết lắng nghe hơn vì nhiều khi tiếp phụ huynh, tâm sự với học sinh hàng mấy tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó mình cũng giao tiếp tốt hơn vì phải tiếp xúc với nhiều người từ nhiều vùng miền, gặp nhiều tình huống.

Nếu võ thuật giúp mình tự tin, bạo dạn thì quản nhiệm khiến mình nền nã, mềm mại hơn. Tất cả những điều đó mình đều quay trở lại áp dụng vào cuộc sống riêng, lắng nghe chồng mình, khi vợ chồng có mâu thuẫn “cơm sôi” thì mình “bớt lửa”, có cách góp ý khéo léo với chồng mình.

Nghề quản nhiệm đã thay đổi tính cách và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của cô Thư.

Cảm ơn cô về những chia sẻ rất chân thành và tâm huyết. Chúc cô gặt hái được nhiều thành công hơn với sự nghiệp của mình cùng những đứa con nhỏ FSchool.

Bài: Nguyễn Anh, Hoàng Thảo

 

Ngày đăng: 05/12/2018

Ngày cập nhật: 05/12/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh