STEM Day: Gieo mầm sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê

Ngày 9/4, hơn 100 học sinh THPT FPT cũng như các trường THCS, THPT khác tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tham gia và thoả sức sáng tạo với các mô hình công nghệ độc đáo trong Ngày hội Khoa học công nghệ STEM Day. Sự kiện được đồng tổ chức bởi trường THPT FPT,  Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu và Universiti Teknologi Petronas (Malaysia). 

Đến với sự kiện khoa học lớn nhất từ trước đến nay, các bạn học sinh và thầy cô Trường THPT FPT Hà Nội, Maker Hà Nội, THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai), THCS Trung Sơn Trầm, THPT Chuyên Sơn Tây… đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn học sinh có cùng đam mê, sở thích; gặp gỡ các câu lạc bộ, cộng đồng STEM đến từ các tỉnh miền Bắc; luyện tập và nâng cao khả năng tiếng Anh. Đồng thời tham dự các module được biên soạn, tổ chức bởi các giáo sư đến từ trường Universiti Teknologi Petronas và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hiệu trưởng trường THPT FPT – Cô Nguyễn Thị Tân phát biểu bằng Tiếng Anh tại lễ khai mạc chương trình.

3 module gồm: Trường Năng lượng (School of Energy), Khoa học (Science) và Hệ thống Thông tin (Information System). Trong đó, tại module 1 – Trường Năng lượng giới thiệu đến người tham dự những kiến thức cơ bản về ngành dầu khí; các bạn học sinh được chia thành các nhóm nhỏ, tự sáng tạo tên và slogan của đội mình để tham gia các hoạt động sáng tạo mô hình. Thông qua những kiến thức lý thuyết, bằng các dụng cụ tái chế như ống hút, chai nhựa, giấy báo, các bạn học sinh đã tự thiết kế một giàn khoan dầu, và sử dụng khả năng ngoại ngữ để thuyết trình về sản phẩm của mình.

Đội Smart giới thiệu về tên và slogan của đội mình.

Bạn Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 12, trường THPT Số 1 Bảo Yên, Lào Cai hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên em đến một sự kiện khoa học dành cho học sinh lớn đến vậy, những hoạt động trong phòng module 1 rất thú vị, bọn em được học những kiến thức về ngành dầu khí, tưởng như khô khan nhưng cách tiếp cận của thầy rất hay và cuốn hút, đồng thời các bạn FSchool vô cùng năng động, các bạn nói Tiếng Anh cũng khá tốt khi giao lưu với thầy Malaysia.”

Các bạn học sinh tỷ mỉ xây dựng giàn khoan dầu khí của mình.

Những “giàn khoan dầu khí” đã hoàn thành sau 7 tiếng chăm chỉ làm việc của các bạn học sinh.

Song song với Trường Năng lượng là lớp học Khoa học – Module 2 – phần được các bạn học sinh và giáo viên rất quan tâm vì tính ứng dụng thực tế cao của nó. Nằm trong nội dung của module ‘Khoa học’, các học sinh FSchool được hướng dẫn cách tạo một cánh tay robot thủy lực từ bìa catton.

Những chiếc cánh tay thuỷ lực bắt đầu sơ khai với nguyên liệu như xi lanh, tăm, ống hút, nước…

Công đoạn thiết kế, lắp ráp những bước đầu tiên đã được tiến hành.

Cánh tay robot thủy lực này hoạt động dựa trên định luật Pascal, ứng dụng cơ chế bơm thủy lực vào việc tạo ra những chuyển động cơ bản giúp hệ thống có thể gắp các đồ vật như lon hay thậm chí là cốc nước. Tuy vật liệu đơn giản và quen thuộc như ống xi-lanh, bìa catton, keo… song đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác của người thực hiện.

Bạn Nguyễn Chí Bảo – học sinh lớp 10A1 (THPT FPT) chia sẻ: “Tuy giáo viên đến từ Malaysia nhưng lại rất thân thiện, quan tâm chúng em, giúp đỡ chúng em từ những điều nhỏ nhất, giải thích cũng rất tận tình dễ hiểu. Trong quá trình làm cũng gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật như: lượng nước cần để tạo ra áp lực trong xi-lanh giúp cánh tay chuyển động hay thiết kế được chiếc càng để kẹp đồ vật phải chắc chắn… Nhưng được trải nghiệm tự tay làm một cánh tay robot nhờ vật lí khiến chúng em rất vui, đồng thời cũng tăng khả năng làm việc nhóm và sự khéo léo của chúng em.

8 mô hình Cánh tay thuỷ lực sau 7 tiếng chăm chỉ nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc. Không chỉ tham quan triển lãm các mô hình công nghệ khác, các bạn học sinh đã tự tay hoàn thiện mô hình “Cánh tay thuỷ lực” của chính mình.

Module cuối cùng được tiến sỹ Ahmad Sobri Hashim, giảng viên tại khoa Máy tính và công nghệ thông tin, đại học UPT hướng dẫn cho các FSchooler. Sau khi được học ngôn ngữ thứ 4 (Visual Basic), các bạn học sinh đã có thể tự viết chương trình tính toán điểm GPA đơn giản. Mang đặc thù của công nghệ thông tin, sản phẩm sau khi hoàn thành lớp học khiến các bạn học sinh có thể áp dụng ngay trong công việc học tập.

Lớp học công nghệ thông tin – Module 3 được các bạn học sinh tham gia đông đảo.

Các bạn học sinh thực hành tư sáng tạo phần mềm tính điểm GPA.

Các bạn học sinh trường FPT tiếp thu kiến thức và học rất nhanh. Điểm rất đáng mừng là các bạn chủ động hỏi và khai thác thông tin từ tôi rất nhiều. Tham gia lớp học không chỉ có các bạn nam mà còn có các bạn nữ. Hoàn thành trước dự kiến 1 tiếng, các bạn học sinh sau lớp học đã có thể tự tạo ra chương trình để tính toán điểm số học tập sau này.” Thầy Ahmad Sobri Hashim chia sẻ sau khi kết thúc lớp học Module 3.

Bên cạnh các mô hình khoa học DIY tại các module, STEM Day là cơ hội giao lưu giữa các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học các tỉnh phía Bắc và CLB FRIT của trường THPT FPT. Triển lãm các mô hình học sinh nghiên cứu khoa học được trưng bày từ 9h30 đến 16h30 tại khu vực sảnh bàn cờ. 5 mô hình khoa học CLB FRIT mang đến triển lãm bao gồm: 2 mô hình mô phỏng núi lửa hoạt động, Tủ đựng đồ được khoá bằng mã hoá; Mô hình đồ chơi thỏ hồng phát nhạc sử dụng năng lượng mặt trời, xe ô tô điều khển từ xa. Đặc biệt hơn hết là chú Robot đã cùng FRIT tham gia cuộc thi The FIRST Global Challenge 2018 cũng góp mặt trong không gian triển lãm sáng tạo này.

Một số mô hình khoa học của CLB FRIT:

2 mô hình mô phỏng phản ứng núi lửa phun trào của CLB FRIT.

Cận cảnh phản ứng hoá học núi lửa phun trào

Mô hình tủ khoá đồ được khoá bằng mã hoá. Xuất phát từ thực tế tủ đồ của các bạn học sinh FSchool hiện nay khoá bằng khoá thủ công thông thường, gây bất tiện cho việc giữ chìa khoá và chưa có tính bảo mật cao.

Mô hình xe ô tô đồ chơi điều khiển từ xa.

Cận cảnh con Robot được CLB FRIT mang đi tham dự cuộc thi The FIRST Global Challenge 2018.

Mô hình chiếc máy dự báo thời tiết thông minh – Smart Weather Station lọt vào vòng loại cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của trường THPT Số 1 Bảo Yên thu hút sự quan tâm cảu đông đảo người tham dự. Chiếc máy có chức năng cảm biến lượng mưa, tốc độ gió, hướng gió và độ ẩm, có thể cảnh báo khi có mưa lớn đột ngột. Tại những nơi có địa hình hiểm trở, chiếc máy có thể làm việc thay thế con người. Không chỉ học tập tốt các môn học văn hoá, các bạn học sinh từ Lào Cai còn sáng tạo công trình nghiên cứu khoa học để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của người dân vùng núi.

Học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai) tham dự Ngày hội Khoa học công nghệ STEM Day. Nguồn ảnh: Báo Lao động thủ đô.

Booth giới thiệu của trường đại học Universiti Teknologi Petronas thu hút sự tham gia đông đảo của phụ huynh và học sinh.

Kết thúc chương trình, các bạn học sinh được nhận certificate từ trường Đại học Universiti Teknologi Petronas.

Những khoảnh khắc đầy vui vẻ và sáng tạo trong ngày hội STEM day sẽ được người tham dự lưu giữ và nhớ mãi.

Có thể nói ngày hội STEM Day thực sự là sân chơi sáng tạo khoa học cho các bạn học sinh THPT FPT nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung. Không chỉ hoà mình trong không khí sôi động của ngày hội mà còn còn được trực tiếp trải nghiệm các mô hình công nghệ kỹ thuật thiết thực với cuộc sống xung quanh.

Hiền Mai

 

Ngày đăng: 10/04/2019

Ngày cập nhật: 10/04/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2023 - 2024

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh