Sau 3 ngày ở Hoà Lạc, học sinh Nhật Bản ấn tượng với nhiệt huyết và sự tự lập của các FSchooler

Tham gia chương trình trao đổi văn hóa “Buddy Program”, học sinh trường THPT FPT đã cùng học, cùng ăn, cùng giao lưu và kết bạn với học sinh Nhật Bản trong quá trình các bạn ấy ở tại Hoà Lạc. Cùng tìm hiểu xem các FSchooler đã gây ấn tượng với những vị khách đến từ xứ sở mặt trời mọc thế nào nhé!

Chương trình Buddy là gì?  

Chương trình trao đổi văn hóa Buddy Program diễn ra trong 3 ngày từ 10/3 đến 13/3/2019 với sự tham gia của học sinh trường THPT FPT và học sinh Trường trung học Công nghệ Shibaura (SIT) từ thành phố Kashiwa, tỉnh Chiba, Nhật Bản.

Mỗi bạn học sinh Việt Nam sẽ cặp 1:1 với một buddy (người bạn thân) người Nhật Bản. Nhiệm vụ của các FSchooler là cùng học, cùng ăn, cùng trò chuyện, giao lưu và tham gia các hoạt động với các những người bạn xứ sở mặt trời mọc trong quá trình các bạn ấy ở tại Hoà Lạc. Đương nhiên tất cả đều bằng tiếng Anh rồi.

Ngày đầu tiên: Làm quen

Chiều ngày 10/3/2019, 15 bạn học sinh trường THPT FPT đã đón 15 bạn học sinh đến từ trường THPT SIT Nhật Bản.

Các FSchooler đã tự trang trí bảng tên để chào đón các bạn học sinh trường SIT.

Học sinh FPT đã giúp các bạn trường S.I.T mang hành lý đến phòng ký túc xá, cũng như hướng dẫn các bạn cách sinh hoạt ở DOM.

Ngày thứ hai: Tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường và giao lưu văn hóa

Sáng ngày 11/3, các bạn học sinh FSchool và các bạn học sinh trường SIT đã đi ăn sáng cùng nhau và dự một buổi học và thảo luận về vấn đề môi trường ở Việt Nam và Nhật Bản.Các Fschooler đã có cơ hội tìm hiểu thông tin về Nhật Bản thảo luận, chia sẻ với các bạn học sinh Nhật về vấn đề môi trường ở Việt Nam, cụ thể là sự kiện nhà máy thép Formosa vào năm 2016 và các bạn Nhật cũng chia sẻ với các bạn học sinh FSchool về thiên tai và thảm họa thiên thiên ở Nhật Bản.

Ở hoạt động cuối cùng, các bạn đã cùng nhau tìm ra giải pháp cho các vấn nạn môi trường ở cả hai nước.

Ngoài ra, các bạn Nhật còn thuyết trình và chia sẻ những nghiên cứu của mình về các vấn đề xã hội qua những tấm poster, học sinh FSchool có thể đến từng nhóm để thảo luận, đặt câu hỏi và phản biện.

Ở buổi giao lưu văn hóa, các bạn học sinh Nhật đã hướng dẫn các Fschooler thực hành nghệ thuật nhuộm Aizome. Aizome là kĩ thuật nhuộm chàm truyền thống của Nhật Bản, được làm từ ““sukumo”, hợp chất được tạo ra từ sự lên men của cây chàm. Với sự hướng dẫn của các bạn học sinh trường SIT, các FSchooler đã có thể trang trí và nhuộm thành công những chiếc khăn tay cho riêng mình.

Mang kính bảo vệ vào thì ai cũng trông như nhà khoa học trong phòng lab nhỉ!

Thành quả của các bạn là những chiếc khăn tay được nhuộm với những họa tiết đặc biệt khác nhau.

Sau khi ăn tối, học sinh hai nước đã có những trò chơi giao lưu đầy ắp tiếng cười.

Học sinh Nhật Bản cũng cởi mở và năng động không kém gì các FSchooler đâu nhé!

Ngày cuối cùng: Cả đoàn đã ham quan bảo tàng tự nhiên, bảo tàng lịch sử, tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, dạo chơi phố cổ Hà Nội và trao nhau những cái ôm nồng ấm ở Nội Bài.

Bạn Dương Phương Mai, lớp 11A1 trường THPT FPT chia sẻ: “Lúc nhóm mình đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đến nơi thì chỉ còn 15 phút nữa bảo tàng sẽ đóng cửa. Bình thường khi học tiếng Anh rất ít khi dùng nhũng từ như “cách mạng” hay “khởi nghĩa”, nên chúng mình vừa phải đi nhanh, vừa phải vận dụng hết tất cả các dây thần kinh để phiên dịch cho các bạn Nhật về phong trào chống Pháp, chiến tranh Việt Nam.”

Trong lúc đi dạo ở Phố đi bộ, các nam sinh, nữ sinh Nhật Bản có dịp được thử món sữa chua thạch lá nếp và mua những món quà lưu niệm của Việt Nam như cà phê, bánh đậu xanh, bánh đậu phộng, mứt dừa…

Tuy ở Nhật cũng có bán phở, nhưng giá lại rất “chát” và hương vị thì không thể nào đậm đà bằng hàng “authentic” nên khi đến Việt Nam, các bạn Nhật rất thường xuyên ăn phở bò.

Mai Nguyễn Khánh Linh, lớp 10A1 chia sẻ: “Trải nghiệm thú vị nhất của mình là được cùng các bạn đi thăm quan Phố Cổ của Hà Nội vì trước đây mình chưa đến đó bao giờ. Mình thậm chí còn hơi shock khi mà bạn của mình nói rằng bạn ấy muốn mua 40 gói phở ăn liền!” 

Tối ngày 13/3, các FSchooler đã đồng hành cùng các buddy của mình đến sân bay Nội Bài.

…trao nhau những cái ôm nồng ấm.

Là “hẹn gặp lại” chứ không phải “vĩnh biệt”.

Hideyoshi đã qua cổng an ninh rồi vẫn cố vẫy tay chào. Bạn Khánh Linh chia sẻ: “3 ngày không phải là 1 khoảng thời gian quá dài nhưng chúng em cũng đã có với nhau những tình ban đẹp. Mình vẫn nhớ lúc trước khi vào máy bay các bạn còn vẫy tay với chúng mình mãi dù các bạn ấy rất mệt. Mình thực sự đã rất cảm động.”

Sau 3 ngày với thật nhiều cảm xúc, các bạn học sinh trường THPT FPT, cũng như các bạn học sinh trường S.I.T đã có những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ.

Bạn Tomona Tajika, lớp 11 trường S.I.T chia sẻ: “Mình thích sự nhiệt huyết của các bạn Việt Nam, mọi người rất chăm chỉ làm việc và bàn luận với nhau rất nhiều, mình cảm thấy được truyền cảm hứng! Các bạn rất thân thiện và đã trở thành những người bạn rất đặc biệt của mình. Mình ấn tượng với sự tự lập của các bạn, các bạn tự chăm sóc bản thân và có thể làm bất cứ thứ gì các bạn muốn.”

Bạn Nguyễn Phương Nam lớp 11A3 trường THPT FPT: “Qua chương trình này, mình học được cách làm quen với những người bạn mới, nhất là những người bạn quốc tế , vượt qua rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Điều mình thích nhất ở chương trình này là việc mình trực tiếp trở thành người bạn đồng hành của các bạn Nhật,  vốn từ trước đến giờ mình chưa từng trải nghiệm trong các chương trình trao đổi quốc tế. Thành bạn đồng hành thì khó lắm đó, mình sẽ phải hiểu được người bạn của mình, và đồng thời cũng phải hỗ trợ bạn hết mình, và quan trọng nhất là ngôn ngữ mình phải thạo. Qua chương trình Buddy này mình đã có thêm được các mối quan hệ quốc tế, thêm vào đó có thêm được kinh nghiệm dẫn đoàn cũng như giao tiếp.”

Điều Trường Trung học Shibaura có khá nhiều điểm giống FSchool. Trường là một nhánh của trường Đại học Công nghệ Shibaura, thành phố Kashiwa, tỉnh Chiba, Nhật Bản, giống như trường THPT FPT thuộc trường Đại học FPT. Ngoài ra, trường trung học Shibaura với các lớp học ngoại ngữ, kỹ năng mềm, các câu lạc bộ, sự kiện và phương châm “Khơi nguồn sáng tạo và phát triển cá nhân”, cũng là một trường trung học đề cao phát triển toàn diện, rèn luyện tính cách, nghề nghiệp và giúp học sinh tạo thói quen tự học.

Bài: Thảo Nguyên (lớp 11A1)

Ảnh: Thảo Nguyên (lớp 11A1), Thế Khải (lớp 11A3), Erika Tanaka (trường SIT)

 

Ngày đăng: 16/03/2019

Ngày cập nhật: 16/03/2019

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh