Truy tìm những vật dụng “bất li thân” của các FSchooler

Những vật dụng tưởng như rất đỗi bình thường, không mấy giá trị lại khiến các teen đứng ngồi không yên nếu không có bên mình. Cùng là đồ công nghệ nhưng cấm dùng cái này nhưng được dùng cái kia, mà đã dùng là gắn bó trọn vẹn 3 năm. Đây đều là những vật dụng “bất li thân” đối với các FSchooler.

Ngay bây giờ, cùng khám phá những đồ dùng không thể thiếu trong cuộc sống của các teen nhà FSchool nhà mình nhé!

Dép tông

Lịch học, hoạt động ngoại khóa trải dài từ sáng đến tối tại FSchool sẽ khiến đôi chân của các teen “ngộp thở” nếu mang giày cả ngày. Thế nên không khó hiểu khi dép tông thoái mái và tiện dụng lại là vật dụng “bất li thân” của các FSchooler. Tuấn Kiệt 11A1 chia sẻ: “Không có dép, đi giày nhiều mình cảm thấy bí bách lắm!”

Dép tông là vật dụng không thể thiếu, cũng nằm trong số những đồ dùng bị “mất tích” nhiều nhất ở Hola bởi tính tuỳ tiện của các FSchooler.

Chưa kể dép tông ở FSchool lại là một vật dụng đầy quý giá, chẳng thế mà dép tông bị “hack” liên miên. Xuân Huy 12A4 kể lại: “Dù đã được đánh dấu, cất ở góc phòng, đem ra ban công hay bỏ vào tủ riêng khóa kín mà những đôi dép này vẫn “mất tích” một cách lạ lùng”. Học sinh mất dép đã đành, dép của thầy cô quản nhiệm cũng không cánh mà bay. Tuấn Kiệt than thở: “Đầu năm các phòng có 2 giá: 1 giá để dép, 1 giá để giày. Đến cuối năm thì chỉ còn lại giày còn dép ra đi không ngày trở lại.”

Điện thoại cục gạch

Sống nội trú, ở xa gia đình, mỗi FSchool đều được trang bị một chiếc điện thoại có chức năng cơ bản mà gọi vui là “điện thoại cục gach”. THPT FPT cấm smartphone nhằm mục đích thúc đẩy môi trường giao tiếp cộng đồng, từ đó thúc đẩy sự ham khám phá, tìm tòi từ cuộc sống thực. Vậy nên chiếc điện thoại tưởng như chỉ còn là đồ cổ như Nokia 1280, 1202, 1200,…lại trở nên đặc biệt thịnh hành trong giới học sinh FSchool.

Giá trị vật chất chẳng đáng bao nhiêu những những chiếc điện thoại cục gạch này vẫn cho thấy rõ giá trị của nó ở xứ Hòa Lạc này. Từ lắng nghe những cuộc gọi điện “kiểm tra” của bố mẹ, gọi điện về khi gặp những chuyện to tát không thể giải quyết một mình cho tới chuyện trò tâm sự với người thương ở xa. Chưa kể chức năng báo thức để lên lớp đúng giờ, đèn pin soi sáng khi mà mọi ánh đèn phòng vụt tắt báo hiệu giờ đi ngủ. Tuấn Kiệt kể: “Có lần em tìm loạn cả phòng không thấy điện thoại đâu, gọi cũng không ai nghe, may quá đến cuối cùng vẫn tìm thấy.Có những đứa đêm đêm lại lúi húi ở ban công gọi điện cho người yêu ở xa qua chiếc điện thoại cục gạch, thầy cô quản nhiệm bắt gặp cứ trêu chọc chũng nó mãi.” Có những lúc như vậy mới biết rõ điện thoại cục gạch quan trọng thế nào với mỗi FSchooler.

Laptop

THPT FPT cấm học sinh dùng smartphone, nhưng lại hoàn toàn khuyến khích học sinh dùng laptop. Bởi lẽ laptop là công cụ học tập, giúp học sinh tận dụng sức mạnh công nghệ để tìm hiểu tri thức và kết nối với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, đây là vật dụng “bất li thân” với mọi FSchooler trong suốt 3 năm học ở đây.

Mỗi học sinh FSchool đều được trang bị máy tính để hỗ trợ việc học tập, hoạt động ngoại khóa.

Là một học sinh tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, Minh Tuấn lớp 12A4 gắn bó với chiếc máy tính trong mỗi sự kiện. Từ chuẩn bị nội dung, giấy tờ, ấn phẩm, thiết kế đến quản lý sự kiện, bám tiến độ dự án đều có sự hỗ trợ của chiếc laptop. Tuấn chia sẻ: “Ngày đỉnh điểm, em sử dụng máy tính đến 20 tiếng, đó là giai đoạn chuẩn bị cho Lễ tổng kết năm học 2016-2017 và lễ Trưởng thành cho K2.”

Đam mê dựng phim từ năm học lớp 11, cậu học trò đa tài của K2 Đinh Hữu Bách coi chiếc laptop thực sự là vật bất li thân của mình. “Những ngày đầu tập tành làm phim, em phải nhờ vào laptop rất nhiều. Clip đầu tay về hành trình xuyên Việt một mình của em được dựng trong 2 tháng. Đến nay thì số lượng clip đã dựng nhiều quá không đếm nổi”, Bách kể.

Bách từng có những ngày cày đêm dựng clip cùng chiếc laptop có màn hình cực “độc”. Nghĩ lại thuở vụng về, làm gì cũng hay rơi vỡ đó, cậu bạn cũng tự hỏi vì sao mình có thể dựng phim với trang thiết bị như vậy. Đến nay, Bách chỉ thay màn hình và tiếp tục sử dụng chiếc laptop đã gắn bó với mình từ những ngày đầu tiên.

Tai nghe

Giống như laptop, tai nghe là vật dụng gắn bó với các teen FSchool trong và ngoài giờ học. Đức Anh 11A1 lớp cho biết cậu sử dụng tai nghe mỗi ngày, từ nghe nhạc, xem phim đến học tiếng Anh.

Với Thu Hiền 11A8, cô bạn có sở thích hát nhảy, thành viên của Gác Xép Band và Bling Bling Dance Team, một ngày đến lớp mà quên tai nghe giống như cơn ác mộng: “Em hỏi mượn từ đứa bên cạnh, bàn trên, bàn dưới, hỏi đến tổ khác, bỗng nhiên một người hùng xuất hiện cho mượn tai nghe. Còn nếu không có người hùng nào cả, em đành không mở tiếng, cần thiết thì mở bé xíu rồi áp sát tai vào loa.”

Theo Hiền (ngoài cùng bên phải), khi cả lớp ai cũng có thiết bị điện tử riêng, muốn lắng nghe một bài hát hay đoạn clip cho riêng mình thì rất cần đến chiếc tai nghe.

Ô

Với thời tiết mưa nắng đều dữ dội và khắc nghiệt của Hòa Lạc, chiếc ô cũng là vật dụng không thể thiếu đối với các teen. Những ngày mưa trắng trời hay nắng chói chang, 3,4 cô cậu học trò chen chúc nhau dưới một chiếc ô, vừa bước đi vội vàng, vừa thận trọng nép mình bởi có thể bị đẩy ra khỏi tán ô lúc nào chẳng hay. Thế nên chiếc ô là minh chứng cho tình chị em, tình anh em ở FSchool là vậy. Nhưng ở xứ sở Hola này, cũng không ít những câu chuyện “crush” nhau vì một lần đi chung ô, hay cảm mến nhau rồi thì cầm ô đưa nhau đi hết Hola, từ dom đến giảng đường, từ đồi thông đến con đường 30m.

Quỳnh Trang (bên phải) nhí nhố selfie với cô bạn cùng lớp che chung ô bất kể mưa nắng.

Quán Quỳnh Trang 10A5 hào hứng kể lại một kỉ niệm vui về chiếc ô: “Hôm ấy mưa rào đổ xuống bất chợt, bạn crush đợi em để đưa ô, vậy mà em lại chạy mưa về cùng hội bạn, thế là bị bạn ấy dỗi.”

Mỗi vật dụng kể trên đều cần thiết đối với mỗi FSchooler nhưng nếu sử dụng chúng sai mục đích, sai hoàn cảnh như dùng laptop, tai nghe vào việc riêng trong giờ học thì không nên chút nào. Hãy giữ gìn cẩn thận và sử dụng những đồ dùng này đúng lúc, đúng chỗ nhé các teen FSchool!

Thu Hiền – Thảo Nguyên

 

Ngày đăng: 27/07/2018

Ngày cập nhật: 27/07/2018

Tác giả: Phạm Hoa

Tin cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 10

NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh